MỘT NGẢ VÀO ĐỜI (Báo Quảng Ninh năm 2000)

Nguyễn Bích Hòa (giữa) với tấm bằng giải 
nhất tại lễ trao giải
 “Nhà tạo mẫu xuất sắc năm 2000”

Bức ảnh chụp Nguyễn Bích Hòa rạng rỡ giữa hai người mẫu trong buổi lễ nhận giải thưởng “cây kéo vàng” dành cho nhà tạo mẫu tóc xuất sắc nhất năm 2000 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh công bố trên tạp chí Thời Trang Trẻ đã khiến cho tất cả khách hàng và những người từng quen biết cô đều sửng sốt, Không ai nghĩ rằng một người làm đầu tỉnh lẻ lại có thể đánh bạt 19 tay kéo lừng danh của 3 thành phố lớn : Sài Gòn , Hà Nội , Hải Phòng sau khi đã vượt qua vòng loại với gần 1000 thí sinh tham dự…Nhưng đây không phải là câu chuyện về danh vị trong làng kéo, mà là sự lựa chọn đường đời của một người trẻ tuổi.

Vào Đời

Tại phòng làm việc của cửa hiệu – một ngôi nhà cao tầng nằm giữa ngã ba đường Lê Thánh Tông – trung tâm thành phố Hạ Long – Nguyễn Bích Hoà ngồi trò chuyện với tôi nhưng vẫn không rời mắt khỏi các nhân viên tập sự. Chốc chốc, cô lại phải xin lỗi, đứng lên để giúp họ điều chỉnh lại một thao tác nào đó. ở thành phố này, tất cả những người sành điệu và khó tính nhất của phái đẹp đều biết đến cửa hiệu của cô. Và mặc dù giá trả cho mỗi kiểu tóc làm tại đây đắt hơn nhiều so với nơi khác, họ vẫn cảm thấy mỹ mãn. Mùa hè, cửa hiệu Bích Hoà bắt đầu làm việc từ 7h30 và ngừng vào lúc 18h. Mùa đông, mở muộn hơn và nghỉ sớm hơn nửa tiếng. Đó là biểu thời gian bất biến kể cả khi đông khách nhất. Nhiên viên ở đây cũng đã quá quen với lịch giờ giấc này cũng như những bộ đồng phục họ nhất định phải mặc trong khi làm việc. Tôi hỏi “Như thế có khe khắt quá không?” Nguyễn Bích Hoà: “Ngược lại, đó là sự chừng mực. Làm việc không có giờ giấc hoặc bê trễ, hoặc sinh ra cẩu thả. Như vậy, tay nghề và uy tín sẽ không thể khá được. Đồng phục bắt buộc cũng là để mọi người ý thức về công việc và cửa hiệu của mình. Hơn nữa dù làm công mỗi người vẫn cần phải có thời gian cho riêng mình. Cả tôi cũng vậy”. 32 tuổi cô vẫn có vẻ đẹp của một người mẫu. Một vẻ đẹp rất khó phai tàn bởi nó luôn được bồi đắp bằng sự vận động mạnh mẽ cả về thể lực và tri thức. Dường như nó được đốt cháy từ bên trong.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cô cũng như muôn vàn phụ nữ may mắn khác: Học hành, thành đạt và toả sáng. Hoặc giả không suôn sẻ, thì lấy chồng, bồng bế thay cho hoài bão. Lại cũng có thể nán đợi một cơ hội khác. Nhưng cô đã không giống ai. 18 tuổi, thi Đại học Tài chính, thiếu nửa điểm. Nước mắt cũng vô ích – chuyến tàu đầu đời không có chỗ cho cô. Sức học khá, chuyển sang thi cao đẳng còn kịp và sẽ dễ dàng hơn. Song cô không muốn thế. Chờ đợi để năm sau thi lại, càng không: Nguyễn Bích Hoà giải thích: “Bởi vì bố mẹ tôi là người bình dân và đều có chung quan niệm: Con gái thì chẳng cần học hành nhiều. Mặc dù nhà bốn chị em, ba gái, tôi là út và vốn được chiều chuộng. Nhưng quan niệm của bố mẹ đã làm tôi tự ái. Nghĩ một cách nghiêm túc, chẳng có gì đáng chán hơn là sự sống bám. Gạt phắt mọi sự buồn bã, tiếc nuối, ngay sau đó, tôi quyết định bước thẳng vào đời”. Đấy là mùa thu năm 1987.

Ngọn nến tự toả sáng

Bây giờ thì người ta xem cô là nhà tạo mẫu tóc xuất sắc nhất không chỉ đối với thành phố này. Khách hàng thuộc mọi lứa tuổi tìm đến cửa hiệu Nguyễn Bích Hoà mỗi ngày một đông hơn. Một nửa là ấn tượng bởi sự rộng rãi, tiện nghi, lịch thiệp. Nửa khác là ngưỡng mộ dành cho tài hoa – thứ phép lạ luôn có ở mọi người và mọi nghề bình thường. Song phải ở ai và bao giờ nó cũng dễ dàng phát lộ. “Tại sao tôi lại chọn nghề này? – Nguyễn Bích Hoà mỉm cười – có lẽ vì tôi không thích lặp lại công việc của bố mẹ”. Tuy nhiên, những kỷ niệm ngày bé của cô thật tuyệt vời. Sống trong một gia đình nghề may truyền thống, 5 tuổi cô đã kiếm được tiền bằng việc ngày ngày lượm những miếng vải vụn quanh chân bàn máy khâu rồi làm thành những con búp bê với đủ loại váy áo, kiểu dáng. Tóc đen, tước ra từ satanh; tóc vàng, từ lụa tơ tằm; tóc các anh hề, vải đỏ… Những con búp bê nhỏ xíu của cô còn cứng đơ, vậy mà không hiểu sao tất cả các cô bé cùng phố trạc tuổi cô đều thèm muốn. Thời trung học, ngoài sách vở, rảnh rỗi cô lại sà vào vải vóc, tự thiết kế các mẫu mới, cắt cho mình cùng cả đám bạn gái thân thiết. Đó là công việc luôn đem lại cho cô niềm hứng khởi đặc biệt. Và cũng chính những gì tưởng như là trò chơi ấy đã tiếp sức cho cô rất nhiều trong mỗi bước thể nghiệm ở nghề nghiệp sau này. Ba tháng học làm đầu ở TP Hồ Chí Minh dù thành thục rất nhanh cũng chỉ đủ cho Nguyễn Bích Hoà mở một cửa hiệu nhỏ tại nhà. Năm 90, cô lập gia đình và chuyển theo cửa hiệu về đường Bến Tàu. Thêm người làm nhưng doanh thu vẫn rất thấp bởi phương tiện quá thô sơ và kiểu mốt hết sức nghèo nàn. Cần phải có một cuộc cách tân, trước hết là tay nghề. Năm 93, cô quyết định dốc hết toàn bộ vốn liếng vào học phí, trở lại TP Hồ Chí Minh, mang theo cả đứa con trai đầu lòng chưa đầy 2 tuổi. Đây là quãng thời gian mệt nhọc chưa từng có. Vừa chăm con, vừa phải chạy riết theo các chương trình thực hành nâng cao về kỹ thuật làm đầu; về kiểu mốt; về xăm thẩm mỹ. Hầu như không ngày nào, cô không đứng việc dưới 10 tiếng. Nhưng ý chí, niềm đam mê, sách vở và những người thầy đã giúp cô bứt hẳn qua lằn mức bình thường để đứng vào đẳng cấp số ít. Song dường như số phận luôn bắt cô phải tự “dỡ bỏ” mình. Và thế là cô dành cả tiền bạc tích luỹ trong nhiều năm vào những chuyến du lịch nước ngoài. Cô đã đi qua Đông Nam á với mục đích lớn nhất là để được nhìn tận mắt tầm vóc của các mỹ viện bên ngoài cùng cả những cửa hiệu uốn tóc bình dân nhất. Những chuyến đi ấy đã cho cô biết rõ sức mình và những gì mà cửa hiệu của cô cần phải có. Sáu năm sau – năm 1999 tại TPHCM, Nguyễn Bích Hoà lọt vào Top những “Nhà tạo mẫu tóc xuất sắc”. Đối với cô, đây chỉ là mốc khởi đầu. ít ai biết rằng: 10 ngày – trước khi bước vào vòng đấu năm 2000, cô đã một mình bay qua Singapore tới thẳng Trường Toni and Guy-một trường kỹ nghệ thẩm mỹ nổi tiếng không riêng ở châu á để sát hạch lại tay nghề một lần nữa. Cuối cùng, giờ phút mà cô chờ đợi đã đến. Vâng, đó không chỉ là tấm bằng khôi nguyên. Mà là danh dự nghề nghiệp. Một nghề nghiệp bình thường nhưng luôn mang lại cho cô mỹ cảm sáng tạo, sự ấm áp gia đình, tình thân thiện, niềm vui sống. Giờ đây, bên cạnh một cửa hiệu làm đầu nền nếp với giàn computer hiện đại không thua kém bất kỳ một cửa hiệu danh tiếng nào của các thành phố lớn – Nguyễn Bích Hoà còn là chủ nhân của một quầy mỹ phẩm cao cấp và một phòng bán – cho thuê đồ cưới sang trọng, khá đắt khách. Cô điều hành tất cả nhưng vẫn không bỏ chỗ đứng của một thợ cầm kéo. Rất nhiều cô gái từ các vùng đô thị phía Bắc đã tìm đến đây để xin học việc. Họ coi sự hướng dẫn của cô như lời bảo đảm chắc chắn để nói với người khác về tiêu chuẩn làm nghề. Tôi hỏi Nguyệt, một thợ chính đã làm việc cùng cô hơn 10 năm: “Tại sao cô lại không mở một cửa hiệu riêng nhỉ?”. Lắc đầu: “Để làm gì chứ, ở đây tôi được coi như một người ruột thịt và thu nhập thì có thể nuôi thêm được một người khác nữa”. Còn Hải, cô nhân viên tập sự 21 tuổi, tỏ vẻ hơi buồn rầu: “Giá mà em được ở mãi với chị ấy”. Tôi bỗng hiểu ra rằng: Trong thành công của cô, còn có cả sức mạnh của niềm tin mến mà cô đã đặt được vào mỗi người cộng sự. Cũng không thể không nói đôi chút về người chồng trẻ tuổi của Nguyễn Bích Hoà. Làm chủ một doanh nghiệp tư nhân khá thành đạt, anh có thể tạo cho vợ mình một cuộc sống viên mãn không cần bận tâm bất cứ điều gì. Nhưng Đ.M.H đã không làm vậy. Anh lặng lẽ đi bên và động viên cô không ngừng dấn bước trên con đường đã chọn. Giờ đây, Đ.M.H là người chồng hạnh phúc nhất. Họ giống như hai ngọn nến tự toả sáng.

Vĩ thanh không của riêng ai

Câu chuyện giữa chúng tôi cuối cùng lại quay trở lại việc chọn nghề. Nguyễn Bích Hoà trầm ngâm: “Thật ra là nghề chọn mình. Nếu như tôi không dám bứt bỏ giấc mộng trường ốc để vào đời như mọi người bình thường, chắc chắn tôi đã rẽ sang ngang ngả khác và không thể có hôm nay”. Tôi chợt nghĩ đến mùa thi đang tới; đến những con số thí sinh khổng lồ đăng ký thi vào các trường đại học hàng năm với bao nhiêu điều phiền toái. Nhưng kết cục số người trúng tuyển chẳng được bao lâu. Nhiều gia đình kiệt quệ sau mỗi mùa sĩ tử. Có người buộc con cái thi đại học năm, bảy “cua” liền, đều trượt và rồi vẫn nhất quyết chạy bằng được cho chúng vào một trường tại chức. Họ quên mất rằng cuộc sống mới là người cho điểm công bằng nhất. Mọi số phận dù không giống nhau, nhưng câu chuyện về sự lựa chọn đường đời của người phụ nữ bình thường này, chắc chắn không phải là hi hữu. Càng không phải là khúc vĩ thanh cho những ai ắp bước vào đời.

Ngô Mai Phong – Báo QN năm 2000

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline